
Giám đốc “bất đắc dĩ”
Cty TNHH 1TV Quyết Thắng (tiền thân là Nông trường Quyết Thắng), đóng tại Xã Ba của huyện Đông Giang, hiện ra trước mắt chúng tôi sau hơn 40 phút xuất phát từ trung tâm thành phố Đà Nẵng. Sau hơn 40 năm (thành lập từ năm 1976), Nông trường Quyết Thắng vẫn còn nguyên đó “vết tích lịch sử” với những đồi chè lúp xúp và trụ sở làm việc gồm những căn phòng cũ mốc thời bao cấp. Vồn vã đón tiếp khách quý, ông Nguyễn Hữu Liêu – Giám đốc Nông trường, “trần tình” chuyện đã về hưu nhưng chưa được nghỉ “vì không có ai chịu lên thay”. Cứ nghe kể về đời sống công nhân (CN) cũng đủ hiểu cái “ghế” Giám đốc “chẳng ai thèm” vì không có gì “màu mỡ”: 100 người trồng, thu hái chè ở đây lương cộng với tiền nhận khoán mỗi tháng tất tần tật chỉ hơn 3 triệu đồng, nhưng từ đầu năm tới nay phần lớn chẳng ai có tiền khoán, bởi chè chưa đến vụ hái nên không có việc làm.
Đói, chính xác là sự thiếu hụt về mọi thứ có thể cảm nhận được ở bất kỳ ai là CN nông trường. Có câu nói đại ý trời không cho không ai thứ gì, không hiểu sao lại rất giống với trường hợp của chị Phan Thị Thu. Ai cũng bảo chị may mắn bởi trong khi 80% nữ CN của Nông trường không lấy được chồng thì chị Thu có hẳn một ông chồng mạnh khỏe cùng 3 đứa con. Nhưng bù lại, chị Thu là một “điển hình” về đói nghèo. Nhiều người đã dụi mắt khi cán bộ Công đoàn của Nông trường dẫn chúng tôi đến một dãy nhà ván rách nát trông như mấy cái chuồng bò nằm liền nhau rồi bảo “đây là nhà tập thể của chị Thu, được cấp từ sau ngày đất nước thống nhất”, mà cảm giác nếu ai đạp mạnh cái là sập luôn.
Đằng sau cánh cửa khép hờ là một không gian lờ mờ những giường chiếu, song nồi, chén bát bẩn và quần áo vương vãi mọi phía. Vợ chồng chị Thu vắng nhà vì có việc gia đình ở ngoài quê Hà Tĩnh. Hai con nhỏ đi học. Chỉ còn đứa con gái lớn, học lớp 11 đang quấn mình trong đống chăn bùi nhùi, thi thoảng phát ra những tràng ho nên gần như không có thêm được thông tin gì.
Anh cán bộ Công đoàn đi theo bảo cả nhà 5 miệng ăn trong đó ba đứa con đi học chỉ nhờ vào số tiền hái chè bữa đực bữa cái của chị Thu và tiền làm thợ đụng cũng ngày có ngày không của ông chồng. “Dựng nhà, dù chỉ năm ba chục triệu là điều không tưởng đối với chị Thu nên không còn cách nào khác, cứ đến mùa mưa bão là chúng tôi chạy đến đây đầu tiên để giúp di trú đến nơi an toàn”.
Cán bộ lương 1.3
Giờ thì mới hiểu cảm giác giàu có, sung sướng thì cứ na ná như nhau, nhưng nghèo khổ, khó khăn, bất hạnh hạnh thì thiên hình vạn trạng, chẳng ai giống ai là như thế nào. Như hôm chúng tôi có chút bất ngờ khi cán bộ LĐLĐ tỉnh Quảng Nam dẫn đến thăm anh Nguyễn Ngọc Ánh – Chánh Văn phòng Đảng ủy xã Đại Cường (Đại Lộc). Dù sao cũng là cán bộ xã, với lại cả gia đình gồm vợ với hai con đang được chen chúc cùng cha mẹ trong một căn nhà xây cũng không đến nỗi nào nên giờ bàn chuyện nhà “Mái ấm Công đoàn” thì có điều gì đó hơi kỳ kỳ.
Nhưng rồi lại bất ngờ lần nữa khi nghe bà Võ Thị Thúy Nguyệt – Bí thư Đảng ủy xã bảo “trông quần là áo lượt rứa thôi chứ khổ lắm, việc Đảng thì nhiều, làm ngày làm đêm nhưng lương 15 năm nay vẫn ở mức 1.3, trừ trước trừ sau còn lại khoảng… 1,4 triệu/ tháng”. Chừng đó “lương” đó, không biết anh chị tiêu pha ra sao. Vợ của Ánh, dù thu nhập có khá hơn chồng chút đỉnh nhờ cái quầy tạp hóa chỉ loe nghoe mấy chai nước ngọt và ít bánh kẹo dụ trẻ con, nhưng chừng đó cũng không đủ chi phí cho cả nhà 4 miệng ăn; chưa kể đến tiền hai con đi học, ốm đau; tiền ma chay cưới hỏi…Hỏi, “sống ra sao”, Ánh chỉ biết lắc đầu, thở dài…
Gia cảnh một ông Ánh khác – Võ Ngọc Ánh ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên) – lại gây cho chúng tôi cảm giác mệt đến tức ngực với hình ảnh người vợ ốm đang nằm gần như bất động trên chiếc giường kê tạm chỗ phòng khách gần 5 năm nay với các chứng bệnh như lời bác sĩ đang truyền dịch là suy tim, thiếu máu, cơ thể suy nhược… Vợ chồng Ánh cùng một đứa con nuôi đang học lớp 7 sống chủ yếu dựa vào việc lên rừng đốn cây chổi về bán với mức thu nhập “ngày có trăm bạc” của anh. Nhưng để kiếm được “ngày trăm bạc”, Ánh phải lội rừng hơn 5km đường đèo dốc với gần 1 tạ cây chổi trên vai, đến mức hai vai u nần, “nhìn như con trâu bị mang ách lâu năm”. Không biết trong bao nhiêu năm, người đàn ông gân guốc này đã đổ bao nhiêu bát mồ hôi trên những chặng đường rừng khổ ải, để lo miếng ăn, tiền thuốc cho vợ con.
Vậy nhưng cả nhà vẫn lay lắt bữa đói bữa no bởi “có khi gánh chổi cả tuần gom lại cũng không đủ trả tiền dịch và thuốc cho bác sĩ đến nhà ngày 3 lần” – lời của Ánh. Ảm đạm không kém là hoàn cảnh của bà Hồ Thị Mai, đã ngoài 60 tuổi ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên). Bà Mai đang ở cùng đứa cháu ngoại – kết quả của việc “cầu xây xong đã lâu nhưng chưa thấy người về đưa dâu” của con gái bà và một CN cầu đường quê tận ngoài Hà Tĩnh – trong căn nhà liêu xiêu, xập xệ. Lại là hậu quả của quá trình “nghèo bền vững” với nghề đóng gói áo mưa tiền lợi một ngày kiếm khoảng…7 ngàn đồng.
Giá như mình là.. tỷ phú
Không phải cứ có tiền hay được “cử” đi làm từ thiện là luôn thấy vui và hạnh phúc. Do số lượng cán bộ công nhân viên chức lao động và cả người dân cần nhà “Mái ấm Công đoàn” rất nhiều, nhưng nguồn tiền thì có hạn. Vậy nên chúng tôi phải làm một công việc chẳng đặng đừng là đi đến từng nơi để xác minh, tiếng là xem thực hư so với đề xuất của cơ sở, nhưng việc chính vẫn là để cân nhắc chọn ai, “bỏ” ai. Đó là chưa nói đến quy trình, đối chiếu, tiêu chuẩn, cống hiến… này nọ đủ thứ trên đời mà đôi khi “người thường” không thể nào hình dung ra được sự trần ai của nó. “Hai hôm nay tôi luôn có cảm giác mình ác ác thế nào đó” – lời của ông Lê Minh Lâm – Phó Ban Quan hệ Cộng đồng Tổng Cty Điện lực miền Trung – đơn vị tài trợ nhà “Mái ấm Công đoàn” đợt này.
“Ác ác” không chỉ là cảm giác của riêng “nhà tài trợ” mà còn là sự áy náy của tất cả những người có mặt trong đoàn gồm phóng viên Báo Lao Động và cán bộ, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Nam. Vậy nên không ít lần ai đó trên xe lâu lâu lại ước “giá mình có 5 – 7 tỷ tiền mặt chở theo trên xe, cứ đến địa chỉ nào thấy đúng với đề xuất của cơ sở thì lấy tiền mặt trao luôn cho ai nấy đều vui”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam lâu lâu lại thở dài, quay sang khẽ khàng với anh Lâm “nhà tài trợ” rằng “các anh chọn được bao nhiêu thì chọn, còn lại số không được chọn, tụi em sẽ tìm và kêu gọi các nguồn khác, dù không cao bằng bên anh nhưng đảm bảo làm sao ai cũng được một nhà “Mái ấm Công đoàn” theo tiêu chuẩn…
Cũng theo lời bà Ánh, trung bình mỗi năm, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam bằng nhiều nguồn khác nhau đã “phủ” được khoảng 70 nhà “Mái ấm Công đoàn” trên khắp toàn tỉnh. Nhưng vậy vẫn chẳng bõ bèn gì so với thực tế, ví như chỉ riêng thị trấn Nam Phước của huyện Duy Xuyên, đến thời điểm này vẫn còn đến 55 trường hợp “nghèo bền vững” đang cần hơi ấm của Công đoàn. Vậy nên cần lắm sự vào cuộc nhiều hơn của những Mạnh Thường Quân như Tổng Cty Điện lực miền Trung để không còn ai phải làm người “ác” bất đắt dĩ…
Chia tay những hoàn cảnh nghèo đến khó tin, chợt thắt lòng. Những nơi chúng tôi đi qua, đều là quê hương cách mạng, người dân bao thế hệ đã một dạ kiên trung, không tiếc máu xương vì độc lập tự do của Tổ quốc, mà nay vẫn chật vật với “giặc” đói nghèo. Mong ước mình trở thành tỷ phú lại trỗi dậy, mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Theo: http://laodong.com.vn/phong-su/mot-vong-doi-ngheo-mot-vong-mai-am-655199.bld